Chính quyền sẽ thu hồi thêm đất ở hai bên công trình hạ tầng và thực hiện tái định cư tại chỗ cho tất cả những người bị thu hồi đất, cả người có đất trong phạm vi công trình và người có đất kề bên công trình hạ tầng. Ðó là một trong những đề xuất được nhiều người dân quan tâm trong Ðề án "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP Hồ Chí Minh" mới được UBND thành phố phê duyệt.
Thành phố Hồ Chí Minh (Nguồn ảnh: Internet)
Theo đề án, sau khi thu hồi thêm đất, người bị thu hồi đất sẽ được nhận lại một diện tích đất nhỏ hơn tỷ lệ nghịch với giá đất tăng thêm do cơ sở hạ tầng mang lại. Thành phố sẽ quy hoạch lại hai bên công trình hạ tầng và phần đất dôi dư sẽ được bán đấu giá để lấy kinh phí đầu tư thực hiện dự án. Ðề xuất này được xem là một giải pháp để gỡ vướng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua làm chậm trễ tiến độ thực hiện dự án do người dân chưa đồng thuận với giá bồi thường. Trong khi đó, thành phố lại không thể áp dụng giải pháp thuế để phân bổ, điều tiết giá trị đất đai tăng thêm do đầu tư hạ tầng mang lại.
Thực tế lâu nay cho thấy, khi Nhà nước đầu tư công trình hạ tầng (nhất là làm đường mới, hoặc mở rộng đường cũ) thì giá đất hai bên đường sẽ tăng lên rất nhiều lần so với trước. Tuy nhiên, những người bị thu hồi đất để làm công trình hạ tầng thường chỉ được bồi thường và hỗ trợ theo giá trị nhà đất chứ không được hưởng lợi từ việc mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, những người không bị giải tỏa nhưng lại được hưởng lợi lớn nhờ nhà đất đang ở trong hẻm trở thành "mặt tiền" sẽ lên giá khi hạ tầng được nâng cấp, mở rộng mà lại không phải tốn một khoản thuế hay phí nào. Nhà nước bỏ tiền ra để đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng không có cơ chế gì để thu lại khoảng chênh lệch lớn từ sự tăng giá trị đất này. Với đề xuất của đề án, người dân thuộc diện giải tỏa có thể được lợi nhiều hơn, có thể được tái định cư tại chỗ, hoặc được bồi thường với mức giá tốt hơn. Nhà nước sẽ có thêm kinh phí, giảm gánh nặng cho ngân sách trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị… Ðồng thời, bộ mặt đô thị sẽ đẹp hơn khi không có những ngôi nhà siêu mỏng, nhà có hình thù kỳ dị. Hơn nữa, nhờ giải quyết ổn thỏa công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, dự án sẽ được triển khai nhanh hơn.
Theo các chuyên gia bất động sản, việc thu hồi thêm đất hai bên tuyến đường giao thông mới làm, hoặc mở rộng như đề án là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành như Luật Ðất đai; Luật Quy hoạch đô thị và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy vậy, không có công thức chung và rõ ràng cho tất cả các dự án, công trình mà phụ thuộc vào quy hoạch, dự án cụ thể. Ðiểm đáng chú ý, trước khi tiến hành thu hồi thêm đất, chính quyền cần sự đồng thuận của cộng đồng dân cư bị dự án ảnh hưởng và đạt được một tỷ lệ cao người dân đồng thuận nhất định, phù hợp với quy định của pháp luật. Quá trình triển khai dự án, công trình và lấy ý kiến của người dân cần bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng. Người dân phải được biết tất cả thông tin về dự án, diện tích đất bị thu hồi thêm, phương án bồi thường, phương án tái định cư, quy trình đấu giá đất dôi dư và cơ chế sử dụng số tiền thu được từ đất đấu giá... Người dân sẽ ủng hộ cách làm nào công bằng nhất, bảo đảm quyền lợi hài hòa và cao nhất cho các bên (người dân, Nhà nước và chủ đầu tư dự án). Khi có được sự đồng thuận của người dân với tỷ lệ cao, công cuộc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị nói riêng, sẽ được triển khai thuận lợi, nhanh hơn, bảo đảm phát triển bền vững hơn.
Theo Báo Nhân dân
Comments