Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, ông Ngô Văn Tuấn vừa chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình bàn về Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 các huyện, thành phố trên địa bàn.
Hòa Bình đề ra mục tiêu quy hoạch phải gắn với phát triển bền vững.
Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện bám sát các quy định của pháp luật về đất đai: Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013; Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 26/7/2018 của Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Hòa Bình.
Theo dự kiến Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, nhóm đất nông nghiệp có diện tích quy hoạch 339.913,19ha giảm so với hiện trạng 51.218,16ha. Nhóm đất phi nông nghiệp có diện tích quy hoạch là 112.286,25ha, tăng so với hiện trạng 56.244,91ha, hầu hết các loại đất thuộc nhóm này đều tăng so với diện trạng. Trong đó, đất khu, cụm công nghiệp 4.830,44ha, đạt tỷ lệ 1,05% so với diện tích đất tự nhiên và đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh: Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần đưa công tác quản lý đất đai ở địa phương đi vào nền nếp, đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý, hài hòa, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái; có ý nghĩa thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, giữ vững ổn định an ninh, chính trị - xã hội. Quy hoạch phải gắn với mục tiêu “Xanh, xanh hơn và xanh hơn nữa”, gắn với phát triển bền vững, đặc biệt, phải đảm bảo tính hiệu quả lên hàng đầu… Quy hoạch phải số hóa vào bản đồ, làm cơ sở, căn cứ phục vụ cho công tác quản lý. Thực hiện công khai, minh bạch quy hoạch sử dụng đất sau khi được phê duyệt, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận, nắm bắt và thu hút đầu tư. Bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Comments