top of page

Mở đất làm giàu trên vùng biên giới

Bằng sự cần cù, lao động sáng tạo và lòng quả cảm, những người công nhân đến từ Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam… đã biến vùng rừng núi hoang vu huyện biên giới Chư Prông, tỉnh Gia Lai thành vùng quê trù phú, giàu có vào loại bậc nhất ở Tây Nguyên hiện nay.


Những người tiên phong đi mở đất


Khi màn đêm buông xuống, cả một vùng chân núi biên giới Chư Prông sáng như trời sao. Ánh điện lung linh huyền ảo, quyện với những thanh âm rộn rã từ những dãy nhà cao tầng ở thị trấn biên giới này gợi cho chúng tôi cảm giác như đang ở một nơi phồn hoa đô hội. Chính nơi đây, gần 43 năm về trước là vùng đất hoang tàn bởi chiến tranh để lại.


Ông Võ Toàn Thắng, tổng giám đốc Công ty cao su Chư Prông nhớ lại, đầu năm 1977, theo thỏa thuận giữa hai tỉnh cũ là Gia Lai - Kon Tum và Hà Nam Ninh, hơn 30 đảng viên, công nhân của Nông trường dứa Đồng Giao, tỉnh Ninh Bình được phân công đi tiền trạm để xây dựng vùng kinh tế mới trên vùng đất Gia Lai. Sau đó là gần 4.000 người dân từ các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam từng đợt lần lượt vào theo. Họ rời quê hương mưu cầu một cuộc sống mới no đủ hơn. Nhưng rừng núi hoang vu, muỗi, vắt, cuộc sống khó khăn, bom mìn chiến tranh để lại... đã khiến nhiều người nản chí. Sau hơn 1 năm, chỉ còn vài trăm người bám trụ.


Chị Phạm Thị Na, nguyên bí thư chi bộ, đội trưởng Đội sản xuất số 10, Nông trường Thống Nhất - người đến đây lúc tròn 16 tuổi bồi hồi: “Khó khăn, gian khổ lắm, nhất là chứng kiến những cái chết thương tâm do khai hoang giẫm đạp phải bom mìn”. Rồi chị khóc thành tiếng: “Tôi cũng suýt nữa thì bỏ về, nhưng được các đảng viên lớn tuổi động viên... và không ngờ đến hôm nay, gia đình tôi đã đổi đời cũng nhờ chính vùng đất gian khó này”. Những người công nhân ở Nông trường dứa Đồng Giao (Ninh Bình) xưa, những người chỉ quen với cây lúa và hoa màu nơi đồng bằng Bắc bộ, nay phải làm quen với việc trồng cây cao su trên đồi cao, đất dốc nên lúng túng, bỡ ngỡ. Giữa năm 1977, Nông trường cao su Chư Prông được thành lập và sau đó hơn 2.000 ha cao su mới trồng đã phải thanh lý một nửa vì không phát triển được, công nhân thì kẻ ở người đi lang bạt kiếm sống.


Ông Mai Khắc Tuấn, nguyên trưởng phòng tổ chức cán bộ công ty tâm sự: “Dù gian khổ đến mấy và còn rất ít người ở lại, chúng tôi đều là những đảng viên, nhiều đồng chí đã trưởng thành trong quân đội vẫn vững vàng trụ lại, đi tiên phong hướng dẫn, thuyết phục công nhân bám đất, bám rừng để trồng cây cao su như Nghị quyết của chi bộ đã xác định”. Còn ông Lương Văn Quý, phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch công đoàn công ty nhắc lại câu thành ngữ: “Trong cái khó, ló cái khôn” và đúng như vậy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ công ty và tiếp sức từ đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đứng chân, công ty đã huy động vốn, sức lao động nhàn rỗi của người dân, kẻ góp công, người góp của để phát triển nguồn cao su gia đình; thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn cây, quản lý kinh tế chặt chẽ và khoa học.


“Thật là ưng cái bụng lắm”


Từng chi bộ đã ra Nghị quyết, giao mỗi đảng viên phụ trách từ 10 - 15 hộ gia đình trong nhiệm vụ bám đất, bám rừng để khai hoang trồng cao su. Thế là chỉ sau một thời gian ngắn, đơn vị đã chuyển bại thành thắng, lấy lại niềm tin cho người lao động. Trong công cuộc kiến thiết, từ các nông trường của công ty, đã xuất hiện nhiều tấm gương đảng viên, công nhân trưởng thành từ gian khó như: Phan Sỹ Bình, Trần Ngọc Bính, Lương Văn Quý, Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Hạnh... Các thế hệ đảng viên, công nhân trong gần 43 năm qua luôn tạo dựng cho công ty tâm thế mới, trẻ già nương tựa cùng nhau đi chung một hướng, đó là phát triển công ty ngày càng bền vững.

Cuộc đấu tranh giữa con người và thiên nhiên, giữa cách làm ăn cũ và mới, giữa trí tuệ và tiến thủ... đã mang về cho Công ty cao su Chư Prông luồng gió mới. Gần 43 năm, sức của con người thật là kỳ diệu. Đến nay, công ty đã có gần 3.500 cán bộ, công nhân với gần 12.500 ha cao su trải dài dọc vùng biên giới và gần 200 ha cà phê ở 7 nông trường. Ngoài ra, còn có nhiều xí nghiệp trực thuộc, trong đó có nhà máy chế biến mủ cao su công suất 9.000 tấn/năm; 1 nhà máy chế biến phân hữu cơ vi sinh công suất 5.000 tấn/năm.


Nói về nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, ông Trần Ngọc Bính, bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐTV cho biết, công ty luôn bảo tồn và phát triển được nguồn vốn. Nếu doanh thu năm 1997 chỉ có trên 24 tỷ đồng thì nay có thời điểm cao su được giá nhất đã đạt trên 1.000 tỷ đồng; lợi nhuận đạt trên 300 tỷ đồng; nộp ngân sách trên 100 tỷ đồng. Thu nhập bình quân người lao động trên 5,5 triệu đồng/người/tháng. Đảng bộ công ty luôn đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh hàng năm.


Chúng tôi đến thăm gia đình chị Rơ Chăm Buk, chị nói: “Tôi là công nhân của công ty, làm cao su nếu được giá thì lương cao, thưởng lớn, thật là ưng cái bụng lắm!”. Chúng tôi còn gặp những công nhân cạo mủ giỏi, đạt danh hiệu “Bàn tay vàng” như Hoàng Văn Đông, KBăh Bem, Rơ Mah Lớ, Nguyễn Huy Hoàng..., những gương mặt rạng ngời, toát lên một cuộc sống no đủ, ấm êm của những người đã xác định gắn bó trọn đời với đất và rừng cao su nơi đây.


Bây giờ, vùng đất cao su Chư Prông đã trở thành một vùng quê giàu có. Hàng ngàn ngôi nhà mới của cán bộ, đảng viên, công nhân được xây cất theo kiểu hiện đại. Cơ sở hạ tầng với điện, đường, trường, trạm và các dịch vụ thương mại, thông tin... được phủ khắp và xếp vào loại bậc nhất so với các huyện ở Tây Nguyên. Chiều chiều, khi mặt trời vừa xuống chân núi Ia Đrăng, thả bộ trên những con đường đất đỏ xanh thẳm cao su và thơm ngậy mùi hương trái chín của cà phê, lòng người càng thêm thư thái.


Giúp đồng bào thiểu số cùng tiến bước


Ông Phan Sĩ Bình, nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên tổng giám đốc Công ty cao su Chư Prông, khẳng định: “Ở địa bàn chiến lược như vùng biên giới Chư Prông, việc đưa đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân cao su là đúng đắn và cần thiết, hướng đến cho bà con các dân tộc thiểu số làm chủ mảnh đất của mình là mục tiêu xuyên suốt mà Đảng bộ công ty xác định”. Vì thế, ngay từ những ngày đầu thành lập, công ty đã thu nhận hàng trăm người dân tộc Ja Rai ở các xã lân cận vào làm công nhân công ty. Đến nay, đã có trên 1.500 công nhân là người Ja Rai ở 42 buôn của 11 xã trong huyện, chiếm gần 50% tổng số công nhân công ty. Công ty đầu tư hàng trăm tỷ đồng làm trên 100 km đường cấp phối, 19 km đường nhựa, 10 km đường điện trung hạ thế, xây dựng trung tâm y tế 30 giường bệnh, trường học từ thị trấn đến các buôn làng... Ngoài ra, công ty còn giúp bà con vay không lãi để làm nhà kiên cố, ưu tiên về việc làm, định mức đầu tư, đơn giá tiền lương... Tổ chức xóa mù chữ, bổ túc văn hóa từ lớp 1 đến lớp 5 cho trên 500 người Ja Rai ở các xã.

Hiện nay, trên 1.500 người dân tộc thiểu số được tuyển dụng vào làm công nhân, được giao khoán chăm sóc vườn cây, không chỉ đời sống được đảm bảo, vượt qua đói nghèo mà còn vươn lên làm giàu như vợ chồng trẻ Rơmah Bli và Siu Keng ở làng Klă, xã Chư Đrăng là một điển hình. Với 3 ha cao su nhận khoán, thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/ người/tháng, có những tháng thu trên 10 triệu đồng, anh chị còn được công ty hỗ trợ trồng 800 cây cà phê, cấy 3 ha lúa nước, thu nhập mỗi năm trên 120 triệu đồng. Còn với anh Kpă Toa, 26 tuổi ở đội 4, Nông trường Đoàn Kết, khi được hỏi vì sao trở thành thợ cạo mủ giỏi thì anh nói: “Mình phải luôn mài con dao cho thật sắc, đi cạo đúng giờ, đúng kỹ thuật”. Và anh khoe: “Tết vừa qua gia đình mình được thưởng 20 triệu đồng do vượt sản phẩm khoán”. Theo ông Phan Sĩ Bình, việc chuyển giao kỹ thuật cho người dân tộc thiểu số làm cao su chính là điều kiện và cơ hội cho bà con, về lâu dài sẽ trở thành một thế hệ công nhân mới - những người chủ thật sự để làm giàu ngay trên mảnh đất biên giới Chư Prông.


Kommentare


bottom of page