Hội Thảo khởi động Dự án “Nông nghiệp sinh thái cho cảnh quan bền vững nhằm giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc”
Hội thảo do Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, CISDOMA và ICRAF đồng tổ chức vào ngày 05 tháng 8 năm 2022 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hòa Bình. Hội thảo có sự tham gia của gần 80 đại biểu đại diện cho các sở, ban, ngành của tỉnh Hòa bình gồm Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở NN&PTNT, Chi cục TT&BVTV, Trung tâm khuyến nông tỉnh Hòa Bình, Phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi, Tổ chức ICRAF, CISDOMA, Chính quyền địa phương và người dân tham gia Dự án.
Tại Hội thảo các đại biểu đã nghe các bài trình bày giới thiệu Tổng quan về các hoạt động và những kết quả mong đợi của Dự án. Bên cạnh đó, các đơn vị triển khai dự án và đại biểu cũng thảo luận về phương pháp tiếp cận mới của dự án dựa trên cơ sở Cảnh quan Nông nghiệp sinh thái; đồng thời thảo luận một số khó khăn, thách thức trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và những vấn đề mà Dự án có thể tháo gỡ.
Dự án Nông nghiệp sinh thái cho cảnh quan bền vững nhằm giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc do nhà tài trợ chính là Cơ quan Hợp tác và phát triển CHLB Đức (BMZ) tài trợ thông qua tổ chức Bánh mỳ cho thế giới (BfdW). Dự án được đồng tài trợ và thực hiện bởi Tổ chức Nghiên cứu nông lâm quốc tế (ICRAF), Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA). Tổng ngân sách Dự án là hơn 1,4 triệu Euro, được triển khai tại huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình và huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái trong thời gian 4 năm từ 2021 – 2025.
Hội thảo có sự hiện diện của ông Vương Đắc Hùng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình tới dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Ông Vương Đắc Hùng nhấn mạnh rằng Dự án thành công cần có sự vào cuộc của các ban, ngành chuyên môn, chính quyền địa phương và sự hưởng ứng đóng góp của người dân. Trên tinh thần hỗ trợ và hợp tác, Sở NN&PTNT sẽ tăng cường chỉ đạo và giám sát việc thực hiện của Dự án trên địa bàn của tỉnh. Sở NN và PTTN đánh giá cao sự phối hợp của các bên liên quan tham gia Dự án như CISDOMA, Chi cục TT&BVTV khâu từ lên ý tưởng, thiết kế dự án và sự hỗ trợ của các tổ chức ICRAF, Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới (BfdW).
Phát biểu tại hôi thảo, đại diện Sở kế hoạch đầu tư nêu vấn đề về đóng góp của địa phương và cộng đồng đối với Dự án, có như vậy tinh thần làm chủ và trách nhiệm của người hưởng lợi mới được nâng cao. Đồng thời, nhấn mạnh đến việc làm sao đảm bảo nguồn vốn đối ứng theo yêu cầu của nhà tài trợ. Cuối cùng, ông đánh rất cao sự đóng góp của các tổ chức Phi chính phủ quốc tế và Việt Nam cho sự phát triển kinh tế, xã hội và ổn định môi trường của địa phương và cam kết rằng sở kế hoạch và đầu tư Hòa Bình luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức đến làm việc và hỗ trợ người dân tại Hòa Bình.
Đại diện lãnh đạo các xã tham gia Dự án đã nêu một số vấn đề được người dân quan tâm đó là (1) Người dân sản xuất nông nghiệp hiện nay lạm dụng quá nhiều hóa chất làm ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng sản phẩm; (2) Công tác thiết kế lập kế hoạch sản xuất nông nghiệp chưa được xem xét đúng mức phần nhiều theo cảm tính và chạy đua theo phong trào; (3) Thị trường đầu ra cho sản phẩm chưa được đảm bảo. Do vậy Dự án sẽ góp phần giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường, phục hồi lại hệ sinh thái trong sản xuất nông nghiệp, là dự án có ý nghĩa quan trọng với Kim Bôi.
Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của hơn 30 nông dân đại diện cho các hộ sẽ tham gia dự án ở hai xã Hợp Tiến và Tú Sơn. Đại diện nông dân đã chia sẻ những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương như khan hiếm nước, nắng nóng, gió lốc trong mùa trồng cây, đầu ra sản phẩm, kỹ thuật, nguồn giống… Các hộ cũng thể hiện cam kết tham gia Dự án và mong muốn nhân rộng phạm vị để có nhiều hộ tham gia.
Kết thúc Hội thảo các bên đã cam kết tham gia Dự án với tinh thần trách nhiệm cao nhất nhằm thực hiện Dự án theo đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao, và tuân thủ các qui định của Nhà tài trợ, thực hiện đúng nội dung thỏa thuận đã cam kết và tuân thủ theo pháp luật. Các đại biểu tin tưởng rằng Dự án sẽ xây dựng được các mô hình thành công góp phần tạo thu nhập ổn định cho nông dân, cải thiện tình hình sản xuất nông lâm nghiệp của địa phương theo hướng bền vững, tạo lên một môi trường sinh thái nông nghiệp ổn định và hài hòa với thiên nhiên.
Theo Cisdoma
Comments