top of page

Cẩm nang "Mô hình đối thoại đa chủ thể trong giải quyết khiếu kiện đất đai"

Sản phẩm của Dự án thí điểm “Mô hình đối thoại đa chủ thể trong việc giải quyết tình hình khiếu kiện phát sinh từ thu hồi đất tại Việt Nam” do Quỹ Châu Á hỗ trợ cho Hội Luật gia Việt Nam

Trong những năm gần đây, để giảm thiểu những tranh chấp, khiếu nại phát sinh từ việc thu hồi đất khi thực hiện các dự án, khu kinh tế, khu công nghiệp, dự án đô thị, phát triển khu dân cư, xây dựng các công trình như thủy điện, nhà máy… Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, người bị thu hồi đất cũng như tăng cường công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân khi tiến hành thu hồi đất. Tuy nhiên, trên thực tiễn, các khiếu kiện, tranh chấp phát sinh từ việc thu hồi đất vẫn diễn ra và ở một số địa bàn các khiếu kiện, tranh chấp phức tạp đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án đầu tư cũng như ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.


Trước tình hình đó, với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người đã và đang công tác trong lĩnh vực pháp luật, với mục tiêu bảo vệ công lý, cũng như triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong những năm gần đây, Hội Luật gia Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ vào việc giải quyết các tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền.


Từ những kết quả đạt được, Hội nhận thấy cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất với các cấp chính quyền về các giải pháp sáng tạo để giúp giải quyết tình hình khiếu kiện một cách lâu dài và bền vững. Định hướng này cũng hoàn toàn phù hợp với chỉ đạo trong thời gian gần đây của Bộ Chính trị đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Với tinh thần đó, được sự hỗ trợ của Qũy châu Á tại Việt Nam, Trung ương Hội cùng với các chuyên gia trong nước và quốc tế đã triển khai Dự án nghiên cứu về phương pháp tiếp cận đa chủ thể trong giải quyết tình hình khiếu kiện phát sinh từ thu hồi đất ở Việt Nam. Đây là một phương pháp mới giúp phân tích thấu đáo và toàn diện mọi khía cạnh của mỗi vụ việc khiếu kiện từ cả phía cơ quan nhà nước, người dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Phương pháp này giúp nhận diện những nguyên nhân “gốc rễ” làm phát sinh khiếu kiện để từ đó đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người dân cùng hướng tới những phương án giải quyết một cách bền vững và lâu dài. Phương án này cũng giúp nhìn nhận vụ việc khiếu kiện ở cả tính hợp pháp và tính hợp lý để giúp giải quyết các vụ việc khiếu kiện một cách “thấu tình, đạt lý” thông qua việc xem xét vụ việc khiếu kiện không chỉ dựa trên các quy định pháp luật thực định mà còn tính đến các yếu tố nền tảng tạo nên quan điểm của các bên về vụ việc như văn hóa, truyền thống, nhận thức, bối cảnh xã hội... Trong quá trình nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Trung ương Hội cũng nhận thấy rằng, phương pháp này cũng đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nước cũng đang trong quá trình chuyển đổi với sự xuất hiện ngày càng nhiều các khiếu kiện phát sinh từ thu hồi đất để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như Trung Quốc, In-đô-nê-xia....


Cụ thể, Trung ương Hội đã xây dựng được cuốn Cẩm nang thí điểm về mô hình đối thoại đa chủ thể trong giải quyết tình hình khiếu kiện phát sinh từ thu hồi đất và tổ chức nhiều khóa tập huấn cho Hội Luật gia, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ của các tỉnh Hải Dương, Hà Tĩnh và Bình Thuận. Kết quả tập huấn cho thấy, các Hội tham dự cũng đã thấy được tính sáng tạo trong phương pháp tiếp cận mới này và sẵn sàng cho quá trình thí điểm tham gia giải quyết các vụ việc khiếu kiện phát sinh từ thu hồi đất cùng với chính quyền địa phương. Kết quả thí điểm thành công sẽ là cột mốc quan trọng nhằm khẳng định về sứ mệnh, vị trí, vai trò quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam trong đời sống chính trị - pháp lý nói chung và đặc biệt là trong mối quan hệ giữa người dân và các cấp chính quyền, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.



Lê Khắc Quang

Ban đối ngoại và Hợp tác quốc tế

Hội Luật gia Việt Nam



Comments


bottom of page