top of page

Các vấn đề pháp lý liên quan đến thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất


Luật Đất đai năm 2013 quy định, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất thông qua hòa giải ở cơ sở. Nếu các bên tranh chấp đất không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Trong trường hợp hòa giải không thành, đối với đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) thì thuộc thẩm quyền của tòa án.


Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có một số trường hợp không thực hiện theo quy định nêu trên mà đi khiếu nại nhiều nơi, gây khó khăn cho những người liên quan.


Các trường hợp nào thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án?


Trường hợp tranh chấp đất sản xuất giữa bà T.Th. (ngụ xã Thanh Sơn, H.Định Quán) và ông C.T. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) là một ví dụ. Phần diện tích đất mà cả 2 đang tranh chấp được UBND H.Định Quán cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông T. vào năm 2011 và cấp cho bà Th. vào năm 2016. Do hai bên không tự giải quyết được nên đã yêu cầu UBND xã Thanh Sơn hòa giải.


Kết quả, UBND xã Thanh Sơn ra quyết định hòa giải không thành và đề nghị nguyên đơn là ông T. có quyền tiếp tục khởi kiện bà Th. ra tòa theo đúng quy định, trình tự của pháp luật dân sự về đất đai.


Tuy nhiên, ông T. không chọn hướng giải quyết tranh chấp bằng con đường tố tụng tòa án (theo Điều 202, Điều 203, Luật Đất đai năm 2013) mà chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng cách khiếu nại tới nhiều cơ quan của huyện, tỉnh. Điều này gây khó khăn cho bà Th. vì bà bị các cơ quan quản lý nhà nước mà ông T. gửi đơn khiếu nại mời giải quyết nhiều lần.


Trường hợp của bà Th., theo luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) có 2 cách giải quyết. Thứ nhất, bà có quyền khởi kiện vụ việc ra tòa với vai trò là nguyên đơn, ông T. là bị đơn trong việc tranh chấp đất vì cả hai bên đều được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Thứ hai, bà có quyền làm đơn phản ảnh sự việc đến những cơ quan mà ông T. gửi đơn khiếu nại để họ xem xét giải quyết.


Cũng theo luật sư Đức, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai (theo Điều 203, Luật Đất đai năm 2013) quy định, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã không thành mà đương sự có giấy chứng nhận QSDĐ hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do tòa án giải quyết.


“Còn tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận QSDĐ hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013, tại Khoản 3, Điều 203 luật này quy định, trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của chủ tịch UBND cấp huyện thì có quyền khiếu nại đến chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại TAND theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính ” - luật sư Đức nhấn mạnh.


Lợi ích của việc hòa giải cơ sở


Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Trong thực tế cuộc sống, vấn đề này được người dân lựa chọn khá phổ biến vì nó mang lại hiệu quả ngay lập tức, không mất thời gian, tiền bạc, tình cảm với nhau.


Chẳng hạn, bà T.L. và ông V.B. (ngụ xã Đồi 61, H.Trảng Bom) tranh chấp nhau ranh đất rộng khoảng 0,4m, dài trên 40m. Do đôi bên đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ trước đó khá lâu nên tự nhận thức được vấn đề có thể lỗi do cơ quan đo đạc, chứ không phải lỗi do cố ý của bên nào nên chủ động hòa giải, thỏa thuận.


Hay như trường hợp của 2 ông T.L. và N.M. (ngụ xã Phú Lợi, H.Định Quán), phần đất cả 2 đang tranh chấp chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013. Qua tư vấn của các luật sư, luật gia Hội Luật gia tỉnh, 2 ông quyết định chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải tại UBND xã để đạt được mục tiêu: đoàn kết, hài hòa lợi ích, không mất thời gian và tiền bạc.


Ông N.M. bộc bạch, con đường khởi kiện ra tòa án hay khiếu nại, yêu cầu UBND các cấp giải quyết mất rất nhiều thời gian và tiền bạc (án phí, chi phí đi lại). Vì vậy, ông quyết định chọn phương thức thỏa thuận, hòa giải ở cơ sở để giải quyết vấn đề vừa đúng luật, nhanh gọn, tình nghĩa.


Phó giám đốc Sở Tư pháp Ngô Văn Toàn cho biết, hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã là thủ tục được quy định trong Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, hòa giải tranh chấp về QSDĐ là thủ tục bắt buộc và cũng là điều kiện thụ lý vụ án tại tòa án. Yêu cầu khởi kiện tranh chấp về QSDĐ nếu không được tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã thì coi như là chưa đủ điều kiện khởi kiện. Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện cho nguyên đơn dân sự.


Cũng theo ông Toàn, thực tiễn công tác hòa giải nói chung cho thấy, hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã đã góp phần giải quyết có hiệu quả các tranh chấp từ cơ sở; tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của người dân cũng như của cán bộ, công chức ở các cơ quan liên quan. Việc hòa giải thành tại UBND cấp xã do các bên thỏa thuận phương án giải quyết tranh chấp và tự nguyện thi hành. Kết quả hòa giải thành của các bên sẽ được TAND tỉnh công nhận và có giá trị pháp lý.


Comments


bottom of page